Lịch sử phân loại Epithema

Chi này được Blume mô tả lần đầu tiên năm 1826 với một loài (Epithema saxatile)[3]. Năm 1832, Robert Brown mô tả chi Aikinia với loài duy nhất là Aikinia brunonis Wall., 1832[4][5], nhưng năm 1834 Joseph Decaisne đã chỉ ra rằng Aikinia chỉ là đồng nghĩa của Epithema. Bentham (1835) và Spanoghe (1841) bổ sung các danh pháp mới cho Epithema, nhưng George Don (1838) vẫn tiếp tục sử dụng tên gọi Aikinia và coi Epithema chỉ là đồng nghĩa, chuyển Epithema carnosum thành Aikinia carnosa. Tuy nhiên, các tác giả sau này đã công bố các xử lý chính xác cho tên gọi Epithema. Các ấn bản chính về chi này bao gồm 2 xử lý trọn vẹn cho Epithema (Candolle, 1845 và Clarke, 1883). Candolle (1845) đưa ra 5 loài còn Clarke (1883) là 6 loài, trong đó 5 ở châu Á và 1 ở châu Phi. Mô tả của Clarke (1883) cũng bao gồm 8 thứ mới và 1 tổ hợp thứ mới. Sau năm 1883 có các mô tả bổ sung và miêu tả các đơn vị phân loại mới (Henriques, 1892; Chevalier, 1912; Merrill, 1916; Ohwi, 1943; Burtt, 1958; Kiew, 1985; Ying, 1992; Li & Kao, 1998; Wang et al., 1998) và một tập hợp các ấn bản ngắn gọn nhưng hợp lệ của 9 đơn vị phân loại và tổ hợp tên gọi mới do Hilliard & Burtt (1997) công bố với mục tiêu sửa đổi chính xác chi này, nhưng đáng tiếc là cho tới năm 2016 vẫn chưa được hiện thực hóa[1].

Không dễ phân biệt các loài của chi Epithema. Clarke (1883) từng gợi ý rằng 5 loài châu Á đã biết khi đó có thể chỉ được công nhận như là một loài. Nhiều loài rất giống nhau và có rất ít đặc trưng tốt để chia tách chúng do các đặc điểm sinh dưỡng lẫn sinh trưởng đều có thể có biến động. Cụ thể, các loài châu Á đại lục là rất giống nhau và khó chia tách[1].

Tên gọi Epithema là danh từ Latin giống trung chứ không phải giống cái như nhiều người lầm tưởng. Chẳng hạn, Clarke (1883) đã mô tả một vài thứ mới với tên gọi thuộc giống cái. Các tên gọi này vì thế cần được sửa đổi cho phù hợp với định danh giống trung[1].